GS.Michael Porter: "VN nên bớt phụ thuộc vào nhân công giá rẻ"

"Điều quan trọng nhất là Việt Nam cần giảm bớt phụ thuộc vào lợi thế nhân công giá rẻ. Việt Nam có thể đặt ưu tiên vào việc giảm bớt tham nhũng, tệ quan liêu cũng như những khâu sản xuất đình trệ trong cơ sở hạ tầng." - GS Michael Porter bàn về chiến lược phát triển Việt Nam.

Năm 2005, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Mỹ và có cuộc trò chuyện với GS Michael Porter - người được mệnh danh là "cha đẻ của chiến lược cạnh tranh" tại Đại học Harvard. VietNamNet đã có một cuộc phỏng vấn riêng với ông về chiến lược phát triển cho Việt Nam.

Ngày 1.12.2008, GS Michael Porter sang thăm Việt Nam lần đầu tiên. Những gì ông phát biểu và trao đổi với VietNamNet về Việt Nam từ năm 2005 đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.


- Ông đã có một buổi trình bày với Thủ tướng về nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông đã đề cập đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam với Thủ tướng như thế nào?

GS. Michael E.Porter: Việt Nam đã đạt được những thành tích kinh tế ngoạn mục trong vài năm qua, với tỷ lệ giảm nghèo, xuất khẩu và thu hút FDI đạt tới tầm cao mới. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế này chủ yếu do khai thác nguồn nhân công giá rẻ của đất nước, chứ không phải bằng những cải thiện sâu xa trong năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Vì vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục xếp trong danh sách những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người rất thấp. Điều này là bởi vì năng suất thấp và môi trường kinh doanh ở VN hầu như không được cải thiện nhiều. Việt Nam cần phải tiến hành các bước đi nhằm nâng cao năng suất và giảm bớt phụ thuộc vào lợi thế nhân công rẻ. Nhân công rẻ sẽ chỉ giữ đất nước ở mức nghèo.  

- Theo ông, việc Việt Nam chưa là thành viên của WTO có thể ảnh hưởng như thế nào đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam?

GS. Michael E.Porter: Trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới là một bước đi quan trọng đối với Việt Nam. Vì thế, chính phủ nên kết thúc thành công các cuộc đàm phán càng sớm càng tốt. Quy chế thành viên của WTO sẽ giúp tạo ra nhiều thay đổi chính sách quan trọng và cần thiết.

Tuy vậy, điều quan trọng là chúng ta cần hiểu rằng tác động chính của việc gia nhập WTO là tạo ra những cơ hội mới, chứ không phải sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam một cách trực tiếp. Việt Nam sẽ cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh cơ bản của mình để tận dụng triệt để những cơ hội mà việc gia nhập WTO đem lại.

Tăng sức cạnh tranh trước "cơn lũ" toàn cầu hoá
 

 

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn (trái) và GS Michael E.Porter tại ĐH Harvard năm 2005
(Ảnh tư liệu nguồn: VietNamNet)


- Một số người quan ngại rằng các công ty của Việt Nam có thể thua thiệt khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ phía các tập đoàn lớn của nước ngoài khi VN là thành viên WTO. Ông nghĩ sao về nhận xét này? Theo ông, Việt Nam cần áp dụng những chính sách nào để hạn chế tối đa những thua thiệt có thể xảy ra?

GS. Michael E.Porter: Thực tế là Việt Nam vẫn chưa phát triển được khu vực kinh tế tư nhân mạnh. Khi Việt Nam gia nhập WTO, nhu cầu tăng cường sức mạnh cho khu vực tư nhân sẽ trở nên vô cùng cấp bách.

Vì thế, Việt Nam cần phải cải thiện các điều kiện để phát triển một khu vực tư nhân trong nước mạnh và độc lập. Tiến trình tư nhân hoá cần được đẩy mạnh và các bước đi cần được thực hiện để phát triển khu vực tài chính nhằm khơi thông nguồn vốn cho các công ty tư nhân.

Việt Nam đã tiến hành một số bước đi tích cực nhằm tạo điều kiện cho các công ty nhỏ đăng ký và hoạt động. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhỏ này không thể lớn mạnh thành những doanh nghiệp vừa hay thậm chí là các công ty lớn một khi mà hai rào cản chủ yếu vẫn chưa được gỡ bỏ.

Một là, tiến trình cổ phần hoá hiện nay đối với các công ty nhà nước vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ và vẫn chưa thực sự chịu áp lực thị trường. Điều này làm tổn hại đến khu vực tư nhân và kìm giữ lao động ở những công ty không có khả năng cạnh tranh.

Hơn nữa, quyền sở hữu của nhà nước đối với đất đai cũng như quyền kiểm soát nhà nước đối với khu vực ngân hàng rõ ràng đã khước từ quyền tiếp cận vốn của các công ty nhỏ chỉ bởi vì họ không thể thế chấp.

Cho đến khi nào hai trở ngại mà tôi đã đề cập ở trên chưa được giải quyết thì Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với nền kinh tế ba nhánh: các công ty tư nhân nhỏ, doanh nghiệp Nhà nước lớn và chi nhánh của các công ty nước ngoài. Cơ cấu này sẽ kiềm giữ năng lực cạnh tranh.

- Việt Nam hiện đang đứng trước sự lựa chọn những ngành mũi nhọn để tập trung phát triển. Lời khuyên của ông?

GS. Michael E.Porter: Tôi nghĩ rằng Việt Nam nên xây dựng trên nền tảng tất cả những ngành đang có và mới xuất hiện, thay vì lựa chọn một vài ngành trong số đó. Nên chú ý những ngành mới nổi lên như du lịch, dệt may, giày dép, thuỷ sản, dầu khí. Những ngành mới nổi này sẽ là những động cơ kinh tế quan trọng cũng như những động lực mạnh mẽ khi nền kinh tế tiến sang một giai đoạn mới.

Thực tế thì sự phát triển của những ngành trên hiện nay còn mới sơ khai và tập trung bó hẹp trong một số phân ngành nhỏ. Trong khi đó, Việt Nam đang có tiềm năng để mở rộng hoạt động trong những ngành dịch vụ hỗ trợ cũng như tăng cường các ngành công nghiệp phụ trợ, trong đó có linh kiện và dịch vụ.

Việt Nam cũng cần tập trung nâng cấp công nghiệp nội địa. Trong khi các ngành kinh tế xuất khẩu là quan trọng thì hầu hết việc làm của người Việt Nam thuộc nền kinh tế trong nước. Sử dụng những ngành này như một công cụ để nâng cao năng suất sẽ có ý nghĩa mấu chốt đối với sự tăng trưởng bền vững và cân bằng.

- Trong bối cảnh toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, theo ông Việt Nam có thể lựa chọn 1 chiến lược như thế nào để tăng sức cạnh tranh?

GS. Michael E.Porter: Như tôi đã nói, điều quan trọng nhất là Việt Nam cần giảm bớt phụ thuộc vào lợi thế nhân công giá rẻ. Những điểm yếu trong môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng cần được giải quyết nhanh chóng. Theo tôi, Việt Nam có thể đặt ưu tiên vào việc giảm bớt tham nhũng, tệ quan liêu cũng như những khâu sản xuất đình trệ trong cơ sở hạ tầng.

Cuối cùng, Việt Nam phải xây dựng một chiến lược phát triển cho mỗi vùng trên đất nước, như miền Bắc và miền Nam. Khoảng cách thu nhập quá lớn hiện nay giữa hai miền Nam Bắc đòi hỏi phải có chiến lược phát triển kinh tế khác nhau cho từng miền.

(Theo vietnamnet.vn)

 

Tin tức liên quan

Trang trên 72