“Việt Nam không cần phải đưa ra những chính sách mạnh bạo, hăm hở như Mỹ hay Trung Quốc. Điều cần nhất đối với Việt Nam hiện nay là điều chỉnh chính sách tài khóa hài hòa với thị trường và hợp với sức mình”- GS. Paul Krugman nhận định.
Không có đường tắt cho Việt Nam
Chủ nhân Nobel Kinh tế 2008 Paul Krugman ví von, Việt Nam không phải chịu trách nhiệm về việc xảy ra khủng hoảng, nhưng lại bị khủng hoảng “tát” vào mặt. Điều này có vẻ không công bằng nhưng lại chứng tỏ rằng Việt Nam đang hội nhập sâu rộng.
GS. Paul Krugman nhận định, cuộc khủng hoảng bị rơi tự do trong thời gian qua là do chính phủ các nước hơi lơ đãng với dự báo của giới chuyên gia nghiên cứu kinh tế.
Tuy nhiên, ông Paul Krugman cho rằng, hiện cái đáy của cuộc khủng hoảng cũng đã hiện ra và các nền kinh tế đang dần lấy lại cân bằng.
“Việt Nam có thể làm gì để hồi phục sớm hơn?”. Câu hỏi này được các chuyên gia nghiên cứu trong nước “truy vấn” chủ nhân Nobel Kinh tế 2008 khá nhiều lần, tuy nhiên Paul Krugman cũng không có câu trả lời của riêng ông.
Theo ông, khả năng Việt Nam phục hồi sớm khó có thể xảy ra, bởi Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, trong khi đó các nước đang “đóng cửa” để gây dựng thị trường nội địa.
“Sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào thế giới. Điều này là chắc chắn, bởi không có con đường tắt nào cho Việt Nam hay các nước khác.”
Tuy nhiên, ông cũng phân tích thêm, trong sự hồi phục của toàn thế giới, mỗi nền kinh tế đưa ra được giải pháp hồi phục cho chính mình, có nghĩa là góp phần vào sự hồi phục của thế giới.
“Việt Nam không cần phải đưa ra những chính sách mạnh bạo, hăm hở như Mỹ hay Trung Quốc. Điều cần nhất đối với Việt Nam hiện nay là điều chỉnh chính sách tài khóa hài hòa với thị trường và hợp với sức mình.”
Nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam phải cải cách kinh tế ngay trong một sớm một chiều. Ông Krugman nhận xét, hiện mô hình kinh tế Viêt Nam đang đi được đánh giá là khá tốt, tuy còn một số khu vực “màu xám” nhỏ về độc quyền tự nhiên như điện chẳng hạn.
Việc dựa vào các ngành thâm dụng lao động trong giai đoạn đầu phát triển có thể phù hợp, tuy nhiên về sau sẽ không còn tác dụng. Ví dụ như Hàn Quốc, những năm 60 đời sống của người dân rất kém vì dựa quá nhiều vào xuất khẩu, tuy nhiên hiện nay thu nhập của người dân nước này thuộc vào hạng hàng đầu thế giới.
Theo ông Krugman, Việt Nam nên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao để sử dụng nguồn lực lao động hiệu quả hơn và gia tăng giá trị thặng dư của các mặt hàng xuất khẩu. Ngoài ra, kích cầu phải đúng mục đích, giúp người dân mua sắm hàng hóa do nước mình sản xuất, nếu không vô tình Việt Nam lại kích cầu cho các nước hàng xóm xung quanh.
Nền kinh tế mở như hiện nay sẽ tạo điều kiện cho các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, phải mất 5, 10 năm Việt Nam mới có thể đi đến hoàn chỉnh như mong muốn. Tuy nhiên, nếu những nền kinh tế lớn như Mỹ cũng có xu hướng thực hiện “chủ nghĩa bảo hộ”, GDP của các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng lớn, trong đó có Việt Nam.
Những tháng tới, thất nghiệp vẫn cao
Ít nhất 5 năm nữa thế giới mới có thể trở lại trạng thái bình thường. |
Theo dự báo của GS giành giải Nobel kinh tế, ít nhất 5 năm nữa thế giới mới có thể trở lại trạng thái bình thường.
GS. Paul Krugman cho biết thêm, cuộc khủng hoảng lần này và những năm đầu tiên của cuộc đại suy thoái rất giống nhau. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là sẽ có một cuộc đại suy thoái thứ 2.
Hệ thống tài chính nếu bị thả lỏng, có thể gây nên những vấn đề nghiêm trọng và ảnh hưởng sẽ lan rộng. Tuy nhiên, thực tế những hệ thống tài chính được đánh giá là có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới đã sụp đổ. Điều đó cho thấy cuộc khủng hoảng này đã chạm đáy và đang nằm im, chưa thể bật dậy được.
Trong khi các nước ra sức kích cầu tiêu dùng thì mọi người lại thắt lưng buộc bụng, khiến nền kinh tế càng bị co rúm lại. Lãi suất ngân hàng được nhiều nước đưa về mức 0% nhưng người dân vẫn không chịu vay để đầu đầu tư hoặc chi tiêu. “Bây giờ họ chi tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng suy thoái.”, ông Paul Krugman nói.
Theo nhận định của ông Krugman, trong những tháng tới đây thất nghiệp vẫn cao, kinh tế vẫn trì trệ và gánh nặng nợ nần có thể khiến các nền kinh tế phải thu hẹp lại. Hiện, trên thế giới, mỗi quốc gia đều nghiên cứu về tác động của khủng hoảng đến nền kinh tế của mình, tuy nhiên lại không có nghiên cứu nào dành cho một khu vực và rộng hơn là cho toàn thế giới.
“Cần có sự nỗ lực của toàn bộ các nền kinh tế mới có thể vực dậy được nền kinh tế thế giới đang ngủ im cùng khủng hoảng.” - GS Krugman nhận định.
(Theo vietnamnet.vn)