Khi được yêu cầu mô tả khối lượng trọng trách mà các CFO phải thực hiện, không có gì ngạc nhiên khi câu trả lời là khoảng thời gian từ 100 – 200 ngày đầu tiên là giai đoạn vô cùng thử thách và khó khăn. Những người đã “chinh chiến” và sống sót qua giai đoạn thử thách này đã đúc kết một số kinh nghiệm quý báu cho những người đi sau. Các bí quyết này có thể áp dụng để bạn thích nghi với bất kỳ vị trí lãnh đạo nào, tuy nhiên chúng đặc biệt hữu ích cho các CFO mới, đặc biệt là những người được đề bạt lên CFO từ vị trí nhân viên trong bộ phận tài chính.
1. Tìm một cố vấn
Mặc dù đa phần các CFO được phỏng vấn đều cho rằng giai đoạn đầu tiên của họ cũng xuôi chèo mát mái, quá trình chuyển giao không có gì quá thử thách. Ngoại trừ có một phàn nàn chung mà hầu hết các CFO đều đề cập đến là việc thiếu người cố vấn – như trong cuộc khảo sát là 32% trả lời họ không có người cố vấn. 46% trả lời chính CEO là người cố vấn của họ, tuy nhiên mối quan hệ lúc này lại không giống như những mối quan hệ cố vấn đúng nghĩa bởi vì khó mà thoải mái thổ lộ tất cả những khó khăn, thử thách họ gặp phải với sếp của mình; giống như một CFO mô tả: “CFO có lẽ là người cô độc nhất trong tất cả các vị trí trong tổ chức”. Nhiều CFO đề cập đến giá trị của việc có một hoặc 2 người cố vấn bên ngoài công ty để làm một chỗ dựa tinh thần và nơi tiếp lửa cho mình. Cũng có những CFO tham gia vào những tổ chức hoặc các diễn đàn để kết nối, trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
2. Lắng nghe trước rồi mới hành động
Số lượng các lãnh đạo cấp cao trong một doanh nghiệp có xu hướng cắt giảm dần, đặc biệt tỉ lệ này khá cao đối với các CFO. Điều này khiến cho các CFO thường bị thúc giục phải nhanh chóng khẳng định được tên tuổi của mình nhằm củng cố vị trí. Áp lực này đôi khi đẩy con người hành động thiếu cân nhắc dựa trên nguồn thông tin thiếu - hoặc tệ hơn là thông tin sai lệch.
Dù chúng ta luôn đòi hỏi rằng các CFO phải là người hăng hái nhảy vào hành động, nhưng cũng cần chú ý là họ phải biết cách sử dụng năng lực và nhiệt tình của mình đúng chỗ đúng cách. Giống như một CFO đã chiêm nghiệm ra một bài học quý giá: “Đáng lẽ ra tôi nên lắng nghe nhiều hơn và hành động ít lại. Dĩ nhiên là mọi người đều kỳ vọng CFO mới sẽ mang đến một sự thay đổi mạnh mẽ, nhưng họ cũng sẽ tôn trọng bạn nếu bạn dành thời gian để lắng nghe, hiểu và sau đó hành động đúng đắn”.
3. Ưu tiên cho một vài hoạt động thay đổi chính - và nhất thiết phải thực hiện nhất quán
Lên lịch hoạt động hàng ngày với chỉ từ 3 - 4 những thay đổi và tập trung thực hiện nhất quán những điều đó. Muốn thực sự thay đổi một thứ gì đó, bạn phải lặp đi lặp lại nhiều lần trong nội bộ đội ngũ cũng như với các đối tác bên ngoài. Hãy truyền thông những thay đổi bằng cách nhấn mạnh các yếu tố nền tảng, trong đó bao gồm những vấn đề và hoạt động đã được xác định rõ ràng.
4. Đầu tư cho sự tín nhiệm ngay từ ban đầu
Việc thu phục lòng tin tưởng của người khác trong giai đoạn đầu tiên là một thử thách phổ biến, đặc biệt đối với các CFO được tuyển dụng từ bên ngoài công ty. Trong một số trường hợp, một CFO mới chỉ cần tìm hiểu về các số liệu, về sản phẩm công ty, thị trường, các kế hoạch kinh doanh… là đủ. Trong các trường hợp khác, việc chinh phục sự tín nhiệm của tổ chức đóng vai trò rất quan trọng vì nó có thể tác động làm thay đổi nhận thức và hành động của bạn một cách cơ bản.
Các CFO được phỏng vấn cho biết sẽ rất khó khăn để tìm kiếm sự hỗ trợ và tôn trọng từ các cá nhân khác nếu như bạn không nỗ lực để tư duy như một CFO thực thụ. Rõ ràng là nếu vẫn mang tư duy của một người kiểm soát, vốn tập trung vào việc quản lý tỉ mỉ, thì lãnh đạo sẽ không bao giờ có thể đưa ra các quyết định tuy mạo hiểm nhưng thực ra lại rất sâu sắc, cẩn trọng để có thể mang lại những bước phát triển đột phá cho doanh nghiệp. Việc cải tổ chiến lược không phải bao giờ cũng là giảm đầu tư, siết chặt biên độ lời lãi. CFO có cơ hội áp dụng quan điểm tài chính vào trong những quyết định chiến lược của tổ chức và bảo đảm rằng công ty đã nghiên cứu một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng tất cả mọi khả năng tối đa hóa giá trị.
Ngày càng có nhiều nhân viên được cất nhấc lên vị trí CFO, ở đó những khả năng thiết yếu như nắm bắt nguồn gốc giá trị của tổ chức, phát triển chiến lược để thuyết phục ban giám đốc và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp sẽ là những nền tảng để tạo dựng tương lai nghề nghiệp cho họ. Trong quá trình nắm giữ vai trò CFO, vốn dĩ có nhiều hoạt động hằng ngày sẽ chi phối “níu chân” người lãnh đạo, nhưng chính khả năng cân bằng áp lực giữa các ưu tiên chiến lược và chất lượng vận hành bộ máy tài chính là tiêu chuẩn tôn vinh những CFO đẳng cấp thế giới.
Nguồn: McKinsey.com
Chương trình đào tạo GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH Chief Financial Officer (CFO) Nâng tầm quản trị tài chính của CFO trong thời kỳ mới Vui lòng xem thêm thông tin chi tiết về chương trình tại đây |