Bảng cân đối kế toán: Cách phân tích, lập & mẫu mới nhất 2024

Bảng cân đối kế toán là một trong 4 thành phần quan trọng của bộ báo cáo tài chính, bên cạnh báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bản thuyết minh báo cáo tài chính. Bảng cân đối kế toán cung cấp thông tin để doanh nghiệp đưa ra các quyết định nội bộ cũng như chiến lược mở rộng trong tương lai.

Bảng cân đối kế toán là gì?

Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, Bảng cân đối kế toán là Báo cáo tài chính (BCTC) tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản đó của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.

Hay nói một cách đơn giản, bảng cân đối kế toán (BCĐKT) là những gì doanh nghiệp đang sở hữu và những gì doanh nghiệp đang thiếu nợ, cũng như số tiền đầu tư từ các cổ đông. BCĐKT rất quan trọng để xác định sự tăng giảm của tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định, từ đó cung cấp cơ sở cho các BCTC khác.

Bảng cân đối kế toán là Báo cáo tài chính (BCTC) tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản đó của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.

Ý nghĩa của bảng cân đối kế toán

Phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định

Bảng cân đối kế toán cung cấp bức tranh tổng quan về tài sản, nguồn vốn và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại một thời điểm cụ thể (thường là đầu kỳ, cuối kỳ hoặc một thời điểm nào đó trong kỳ). Qua đó, giúp đánh giá khả năng thanh toán ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp; đánh giá cơ cấu tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp; đánh giá tình hình tài chính lành mạnh hay tiềm ẩn rủi ro của doanh nghiệp.

Cung cấp thông tin cho các bên liên quan

  • Nhà đầu tư: Giúp nhà đầu tư đánh giá tiềm năng sinh lời, khả năng thanh toán nợ và rủi ro khi đầu tư vào doanh nghiệp.
  • Chủ nợ: Đánh giá khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định cho vay hay không cho vay, cho vay bao nhiêu và thời hạn cho vay như thế nào.
  • Lãnh đạo doanh nghiệp: Đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp, đưa ra quyết định quản lý phù hợp, điều chỉnh chiến lược kinh doanh hiệu quả.
  • Cơ quan quản lý nhà nước: Nắm bắt tình hình tài chính của doanh nghiệp, thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài chính hiệu quả.

Làm cơ sở cho việc lập các báo cáo tài chính khác

Bảng cân đối kế toán cùng với các báo cáo tài chính khác như Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Thuyết minh báo cáo tài chính tạo thành hệ thống báo cáo tài chính đầy đủ, cung cấp thông tin toàn diện về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh và biến động tài chính của doanh nghiệp.

Phục vụ cho công tác phân tích tài chính

Đây là nguồn dữ liệu quan trọng cho việc phân tích tài chính doanh nghiệp, giúp đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh toán, tình hình tài chính lành mạnh hay tiềm ẩn rủi ro của doanh nghiệp.

Ý nghĩa của bảng cân đối kế toán

Cấu trúc chuẩn của một bảng cân đối kế toán

Phần tài sản được thể hiện trên bảng cân đối kế toán liệt kê các nguồn lực mà doanh nghiệp kiểm soát và khả năng tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai, được sắp xếp theo tính thanh khoản hoặc mức độ chuyển đổi thành tiền mặt. Dựa trên khả năng chuyển đổi, tài sản sẽ được chia thành 2 loại là tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn, cụ thể:

Tài sản ngắn hạn

Tài sản ngắn hạn là những tài sản mà doanh nghiệp có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt, bán ra hoặc sử dụng trong vòng một năm hoặc một chu kỳ hoạt động thông thường. Các loại tài sản này gồm nhiều hạng mục khác nhau như sau:

  • Tiền mặt và các khoản tương đương tiền: Đây là các tài sản có khả năng chuyển đổi thành tiền cao nhất bao gồm tiền trong quỹ, các khoản tiền gửi không có kỳ hạn tại ngân hàng, tiền đang được chuyển và các khoản tương đương tiền khác của doanh nghiệp.

  • Các khoản phải thu ngắn hạn: Gồm tiền phải thu từ khách hàng, tiền đã trả trước cho người bán, các khoản phải thu nội bộ, tiền phải thu theo tiến độ các hợp đồng xây dựng, các khoản cho vay và các khoản phải thu ngắn hạn khác.

  • Đầu tư tài chính ngắn hạn: Bao gồm chứng khoán mua để kinh doanh, các khoản đầu tư giữ đến ngày đáo hạn và các khoản đầu tư khác có thời hạn sử dụng dưới 12 tháng tính từ ngày báo cáo.

  • Hàng tồn kho: Bao gồm các sản phẩm dự trữ sử dụng trong sản xuất và các hoạt động kinh doanh của công ty.

  • Tài sản ngắn hạn khác: Những tài sản khác có thời gian thu hồi hoặc sử dụng trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm báo cáo, như chi phí trả trước, thuế GTGT có thể khấu trừ, các khoản thuế phải thu, giao dịch mua bán lại trái phiếu chính phủ và các tài sản ngắn hạn khác.

Tài sản dài hạn

Tài sản dài hạn là các tài sản không dễ để chuyển đổi, thường được sử dụng trong các hoạt động kinh doanh trên 12 tháng, gồm:

  • Các khoản phải thu dài hạn: Bao gồm tiền phải thu từ khách hàng, nội bộ, cho vay, vốn kinh doanh tại các chi nhánh và các khoản phải thu khác có thời hạn thu hồi trên 12 tháng.

  • Tài sản cố định: Gồm tài sản hữu hình như đất đai, nhà xưởng và các tài sản vô hình, cùng với tài sản cố định được thuê tài chính, tính đến thời điểm báo cáo.

  • Đầu tư tài chính dài hạn: Các khoản đầu tư vào công ty con, liên doanh, công ty liên kết và các khoản góp vốn vào các đơn vị khác với kỳ hạn dài hơn một năm.

  • Bất động sản đầu tư: Tổng giá trị còn lại của bất động sản đầu tư, phản ánh tại thời điểm báo cáo.

  • Tài sản dở dang dài hạn: Bao gồm các chi phí sản xuất và xây dựng cơ bản dở dang.

  • Tài sản dài hạn khác: Gồm các tài sản khác như chi phí trả trước dài hạn và tài sản thuế thu nhập hoãn lại có thời hạn sử dụng hoặc thu hồi trên 12 tháng.

Nguồn vốn trong bảng cân đối kế toán gồm nợ phải trả và vốn chủ sở hữu. Cụ thể:

Nợ phải trả

Nợ phải trả của một doanh nghiệp bao gồm các khoản nợ ngắn hạn, dài hạn và một số khoản nợ khác mà công ty có trách nhiệm thanh toán. Đây là những khoản mà doanh nghiệp cần dàn xếp để chi trả trong tương lai bằng tiền mặt hoặc thông qua các hình thức dịch vụ khác. Việc phân loại nợ thường dựa vào thời hạn thanh toán của chúng: nợ ngắn hạn là những khoản phải thanh toán trong vòng không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường; trong khi đó, nợ dài hạn là những khoản vượt quá thời hạn này.

Vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu đại diện cho giá trị thuần của tài sản công ty sau khi đã trừ đi các khoản nợ. Nói cách khác, đây là giá trị ròng của doanh nghiệp. Cấu thành vốn chủ sở hữu bao gồm:

  • Vốn kinh doanh: Đây là phần vốn do cổ đông và thành viên góp vốn sở hữu, gồm thặng dư vốn cổ phần, cổ phiếu quỹ, quyền chọn chuyển đổi trái phiếu, quỹ đầu tư phát triển,...
  • Quỹ và nguồn kinh phí khác: Bao gồm tổng các nguồn kinh phí được phân bổ cho các hoạt động sự nghiệp, dự án và tài sản cố định đã hình thành từ nguồn kinh phí này.

Cấu trúc chuẩn của một bảng cân đối kế toán

Nguyên tắc lập bảng cân đối kế toán 2024

Các văn bản cần tham khảo phục vụ cho việc lập bảng cân đối kế toán đúng quy định:

Doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục

1. Theo chuẩn mực số 21 – Trình bày báo cáo tài chính (Quyết định 234/2003/QĐ-BTC), khi lập và trình bày bảng cân đối kế toán cần tuân thủ các nguyên tắc về lập và trình bày BCTC. Trên Bảng cân đối kế toán, các khoản mục Tài sản và Nợ phải trả cần được trình bày riêng biệt thành ngắn hạn, dài hạn, tùy theo thời hạn của chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, cụ thể:

  • Với doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh bình thường trong vòng 12 tháng, thì tài sản và nợ phải trả chia thành ngắn hạn và dài hạn theo nguyên tắc:

  • Tài sản và nợ phải trả được thu hồi, thanh toán trong vòng không quá 12 tháng, kể từ thời điểm báo cáo được xếp vào loại ngắn hạn.

  • Tài sản và nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán từ 12 tháng trở lên, kể từ thời điểm báo cáo được xếp vào loại dài hạn.

  • Với doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh bình thường quá 12 tháng, thì tài sản và nợ phải trả phân thành ngắn hạn và dài hạn theo nguyên tắc:

  • Tài sản và nợ phải trả được thu hồi hoặc thanh toán trong vòng một chu kỳ kinh doanh bình thường được xếp vào loại ngắn hạn;

  • Tài sản và nợ phải trả được thu hồi hoặc thanh toán trong thời gian dài hơn một chu kỳ kinh doanh bình thường được xếp vào loại dài hạn.

Với hai trường hợp này, doanh nghiệp cần thuyết minh rõ đặc điểm xác định chu kỳ kinh doanh thông thường, thời gian bình quân của chu kỳ kinh doanh thông thường, bằng chứng về chu kỳ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và của ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động.

  • Với doanh nghiệp do tính chất hoạt động nên không thể dựa vào chu kỳ kinh doanh để phân thành ngắn hạn và dài hạn, thì tài sản và nợ phải trả được trình bày theo tính thanh khoản giảm dần.

2. Trong quá trình lập Bảng cân đối kế toán tổng hợp giữa đơn vị mẹ và các chi nhánh không có tư cách pháp nhân, việc loại trừ các số dư phát sinh từ giao dịch nội bộ là bắt buộc, bao gồm các khoản phải thu, phải trả và cho vay nội bộ giữa đơn vị mẹ và các chi nhánh, hoặc giữa các chi nhánh với nhau.

Phương pháp loại trừ các khoản mục nội bộ khi tổng hợp báo cáo giữa đơn vị mẹ và các chi nhánh hạch toán phụ thuộc được thực hiện tương tự như kỹ thuật hợp nhất trên BCTC.

3. Các chỉ tiêu không có số liệu miễn trình bày trên BCĐKT. Doanh nghiệp cần chủ động đánh lại số thứ tự của các chỉ tiêu theo nguyên tắc liên tục trên mỗi phần.

Doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục

1. Khi một doanh nghiệp không còn đáp ứng giả định hoạt động liên tục, Bảng cân đối kế toán sẽ được lập với một số điều chỉnh đặc biệt so với trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, bao gồm:

  • Các chỉ tiêu trên bảng cân đối không được phân loại theo thời hạn ngắn hạn hay dài hạn. Tức là, không phân biệt các khoản có thời hạn còn lại là trên hoặc dưới 12 tháng, hoặc dựa vào chu kỳ kinh doanh thông thường.

  • Không trình bày các chỉ tiêu dự phòng vì tất cả tài sản và nợ phải trả đã được đánh giá lại dựa trên giá trị thuần có thể thực hiện được, giá trị có thể thu hồi, hoặc giá trị hợp lý, không cần dự trữ cho các rủi ro không chắc chắn.

2. Một số chỉ tiêu có phương pháp lập BCĐKT khác với doanh nghiệp đang hoạt động liên tục như sau:

  • Chỉ tiêu “Chứng khoán kinh doanh” (Mã số 121): Chỉ tiêu này phản ánh giá trị ghi sổ trong chứng khoán kinh doanh sau khi đã thực hiện đánh giá lại. Doanh nghiệp không cần trình bày chỉ tiêu “Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh” do số dự phòng giảm giá được ghi giảm trực tiếp vào giá trị ghi sổ của chứng khoán kinh doanh.

  • Các chỉ tiêu liên quan đến khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết, góp vốn đầu tư vào các đơn vị khác phản ánh theo giá trị ghi sổ, sau khi đã đánh giá lại các khoản đầu tư trên. Doanh nghiệp không cần phải trình bày chỉ tiêu “Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn” do số dự phòng được ghi giảm trực tiếp vào giá trị ghi sổ của các khoản đầu tư.

  • Các chỉ tiêu liên quan đến các khoản cần phải thu phản ánh theo giá trị ghi sổ, sau khi đã đánh giá lại các khoản phải thu. Doanh nghiệp không cần phải trình bày chỉ tiêu “Dự phòng phải thu khó đòi” do số dự phòng được ghi giảm trực tiếp vào giá trị ghi sổ của các khoản phải thu.

  • Chỉ tiêu “hàng tồn kho” mã số 140: Chỉ tiêu này phản ánh giá trị ghi sổ của hàng tồn kho sau khi đánh giá lại. Số liệu này bao gồm các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang và thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế được phân loại là dài hạn trên Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp đang hoạt động liên tục. Doanh nghiệp không cần phải trình bày chỉ tiêu “Dự phòng giảm giá hàng tồn kho” do số dự phòng giảm giá được ghi giảm trực tiếp trong giá trị ghi sổ của hàng tồn kho.

  • Các chỉ tiêu liên quan đến tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình, tài sản cố định thuê tài chính, bất động sản đầu tư phản ánh theo giá trị ghi sổ sau khi đánh giá lại các tài sản trên. Doanh nghiệp không phải trình bày chỉ tiêu “Nguyên giá” do giá trị sổ sách là giá đánh giá lại, không trình bày chỉ tiêu “Hao mòn lũy kế” do số khấu hao đã được ghi giảm trực tiếp vào giá trị sổ sách của tài sản.

  • Các khoản đầu tư vào công ty con, liên doanh và các đơn vị khác được phản ánh theo giá trị sổ sách đã đánh giá lại, không cần trình bày chỉ tiêu "Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn", bởi vì số dự phòng này đã được trừ trực tiếp vào giá trị sổ sách. Tương tự, các khoản phải thu cũng phản ánh giá trị đã đánh giá lại và không yêu cầu trình bày chỉ tiêu "Dự phòng phải thu khó đòi".

3. Các chỉ tiêu khác được lập trình bày thông qua việc gộp nội dung, số liệu của các chỉ tiêu tương ứng ở phần dài hạn, ngắn hạn của doanh nghiệp đang hoạt động liên tục.

Nguyên tắc lập bảng cân đối kế toán 2024

Hướng dẫn phân tích bảng cân đối kế toán

Kỹ thuật phân tích bảng cân đối kế toán

Phân tích theo chiều ngang

So sánh các khoản mục trong bảng cân đối kế toán qua các kỳ kế toán liên tiếp (thường là so sánh các năm tài chính). Mục đích là nhận diện xu hướng tăng giảm của các khoản mục, đánh giá tốc độ phát triển hoặc suy thoái của doanh nghiệp.

Cách thực hiện: So sánh các mục như tài sản ngắn hạn, dài hạn, nợ ngắn hạn, dài hạn, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp qua các năm, tháng hoặc quý. Sau đó dùng biểu đồ để minh họa sự thay đổi theo thời gian.

Phân tích theo chiều dọc

So sánh tỷ trọng của từng khoản mục trong bảng cân đối kế toán với tổng số tài sản hoặc nguồn vốn. Mục đích là đánh giá cơ cấu tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp, từ đó đưa ra nhận định về tính an toàn tài chính, khả năng thanh toán và hiệu quả sử dụng vốn.

Cách thực hiện: Tính tỷ trọng của từng khoản mục bằng cách chia giá trị của khoản mục cho tổng số tài sản hoặc nguồn vốn và nhân với 100%. So sánh tỷ trọng của các khoản mục trong cùng nhóm (tài sản lưu động, tài sản cố định,... hoặc nguồn vốn chủ sở hữu, nợ ngắn hạn, nợ dài hạn,...).

Ví dụ: Phân tích tỷ trọng của tiền mặt, hàng tồn kho, khoản phải thu,... trong nhóm tài sản lưu động.

Phân tích bảng cân đối kế toán

Bước 1: Đọc số liệu tổng quan

Đọc các số liệu tổng quan của bảng cân đối kế toán để hiểu về các phần chính cũng như cách thức tổ chức thông tin. Giúp kế toán viên có cái nhìn tổng quan về toàn bộ tài sản, nguồn vốn cũng như các khoản mục có trong đó của doanh nghiệp.

Lấy ví dụ về bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp A với các thông tin như sau:

TÀI SẢN

Tài sản ngắn hạn

150.000.000

Tài sản dài hạn

600.000.000

  • Tài sản cố định

600.000.000

Tổng tài sản

750.000.000

NGUỒN VỐN

Nợ phải trả

200.000.000

  • Phải trả người bán

100.000.000

  • Vay và nợ

100.000.000

Vốn chủ sở hữu

450.000.000

Tổng nguồn vốn

650.000.000

Dựa vào các số liệu trong bảng, có thể đưa ra một số nhận định sau:

  • Quy mô: Doanh nghiệp có quy mô vừa với tổng tài sản đạt 750 triệu đồng. Tỷ trọng tài sản dài hạn cao (80%) cho thấy doanh nghiệp đang hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn.

  • Cơ cấu tài sản: Tài sản dài hạn chiếm tỷ trọng lớn (80%) trong cơ cấu tài sản, chủ yếu là tài sản cố định (600 triệu đồng). Tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng nhỏ (20%) trong cơ cấu tài sản, chủ yếu là tiền mặt và các khoản phải thu ngắn hạn.

  • Cách bố trí tài sản: Doanh nghiệp đang tập trung nguồn vốn đầu tư vào các tài sản dài hạn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài. Cần chú ý theo dõi và quản lý chặt chẽ các khoản tài sản ngắn hạn để đảm bảo khả năng thanh khoản.

  • Cơ cấu nguồn vốn: Vốn chủ sở hữu chiếm tỷ trọng cao (69%) trong cơ cấu nguồn vốn, thể hiện sự an toàn tài chính và khả năng tự chủ tài chính tốt của doanh nghiệp. Nợ phải trả chiếm tỷ trọng trung bình (31%) trong cơ cấu nguồn vốn, chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn và dài hạn. Doanh nghiệp cần theo dõi và quản lý chặt chẽ tỷ lệ nợ vay để đảm bảo an toàn tài chính và khả năng trả nợ.

Bước 2: Đọc số liệu chi tiết

Sau khi xem xét các số liệu tổng quan, tiếp theo cần xem xét các khoản mục quan trọng trong bảng cân đối kế toán, bao gồm tài sản cố định, tài sản ngắn hạn, vốn chủ sở hữu, nợ phải trả, các khoản nợ, cùng các chỉ tiêu quan trọng khác như tài sản tiền mặt, khoản phải thu, hàng tồn kho và các khoản nợ khác.

Ví dụ, trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp A có dữ liệu sau:

TÀI SẢN NGẮN HẠN

Tiền

100.000.000

Phải thu khách hàng

300.000.000

Hàng tồn kho

100.000.000

Các khoản phải thu khác

10.000.000

Từ việc phân tích các số liệu này, có thể đưa ra một số nhận định sau:

  • Doanh nghiệp có số tiền mặt là 100.000.000, đáp ứng được các nhu cầu thanh toán ngắn hạn. Doanh nghiệp có thể thanh toán các khoản nợ ngắn hạn một cách dễ dàng bằng tiền mặt và các khoản phải thu khách hàng.

  • Khoản phải thu từ khách hàng là 300.000.000 là rất lớn. Doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ và quản lý công nợ khách hàng, đảm bảo việc thu tiền đúng hạn và giảm thiểu rủi ro mất công nợ.

  • Hàng tồn kho với trị giá 100.000.000 là rất lớn, cần tới các biện pháp kiểm soát tốt hơn, đảm bảo không có hàng tồn quá hạn hoặc dư thừa gây thất thoát vốn và tăng chi phí tồn kho.

  • Doanh nghiệp có 10.000.000 tiền khác phải thu, khoản tiền này khá ít cho thấy tình trạng tài chính khá tích cực.

Bước 3: Tính toán các chỉ tiêu tài chính cơ bản, đánh giá tình hình doanh nghiệp

Giá trị các tài khoản trên bảng cân đối kế toán có thể được sử dụng để giúp tính toán các tỷ số thể hiện tính thanh khoản, hiệu quả cũng như cơ cấu tài chính của doanh nghiệp. Một số công thức tính như sau:

Tỷ số hiện hành (Current ratio)

Tỷ số hiện hành, hay còn gọi là tỷ lệ thanh toán ngắn hạn, là một chỉ số tài chính quan trọng đo lường khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của công ty bằng tài sản ngắn hạn của công ty. Nói cách khác, nó cho biết công ty có bao nhiêu tài sản lưu động để trang trải cho các khoản nợ phải trả trong vòng 1 năm.

Tỷ số hiện hành = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn

Tỷ số hiện hành cao cho thấy công ty có khả năng thanh toán tốt các khoản nợ ngắn hạn của mình. Tuy nhiên, tỷ số hiện hành quá cao cũng có thể là dấu hiệu cho thấy công ty đang đầu tư quá nhiều vào tài sản lưu động mà không tạo ra đủ lợi nhuận. Tỷ số hiện hành thấp cho thấy công ty có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của mình.

Mức tỷ số hiện hành lý tưởng sẽ khác nhau tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ số hiện hành trong khoảng từ 1,5 đến 2,0 được coi là an toàn.

Tỷ số thanh toán nhanh (Quick ratio)

Tỷ số thanh toán nhanh thể hiện khả năng mà doanh nghiệp thanh toán nhanh các khoản nợ ngắn hạn bằng giá trị tài sản ngắn hạn có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt. Công thức tính tỷ số thanh toán nhanh như sau:

Tỷ số thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho) / Nợ ngắn hạn

Tỷ số thanh toán nhanh bằng 1 được xem là bình thường. Giá trị này cho thấy doanh nghiệp được trang bị đủ tài sản có thể thanh lý để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Khi giá trị của tỷ số này nhỏ hơn 1, thể hiện doanh nghiệp đang khó khăn trong việc thanh toán đầy đủ các khoản nợ của mình.

Hệ số vòng quay tài sản (Asset turnover ratio)

Hệ số vòng quay tài sản là một chỉ số tài chính quan trọng được sử dụng để đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Nó thể hiện mối quan hệ giữa doanh thu thuần của doanh nghiệp và tổng tài sản trung bình của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán nhất định.

Hệ số vòng quay tài sản = Doanh thu thuần / Tổng tài sản bình quân

Hệ số vòng quay tài sản cao cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng tài sản hiệu quả, tạo ra nhiều doanh thu hơn từ mỗi đồng vốn đầu tư. Hệ số vòng quay tài sản thấp cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng tài sản chưa hiệu quả, tạo ra ít doanh thu hơn từ mỗi đồng vốn đầu tư. Có thể do doanh nghiệp có hàng tồn kho cao, chi phí hoạt động cao hoặc hoạt động trong một ngành cạnh tranh cao.

Hệ số vòng quay hàng tồn kho (Inventory turnover ratio)

Hệ số vòng quay hàng tồn kho (Inventory turnover ratio) được sử dụng để đánh giá hiệu quả quản lý hàng tồn kho của doanh nghiệp. Nó thể hiện số lần hàng tồn kho của doanh nghiệp được bán ra và thay thế trong một kỳ kế toán nhất định.

Hệ số vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán / Hàng tồn kho bình quân

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (Debt-to-equity ratio)

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là một thước đo tỷ lệ giữa vốn vay (nợ) và vốn tự có (vốn chủ sở hữu) của doanh nghiệp. Nó thể hiện mức độ mà doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của mình.

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu = Nợ phải trả / Vốn chủ sở hữu

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cung cấp dữ liệu để các nhà đầu tư, chủ ngân hàng quyết định xem có muốn cho doanh nghiệp vay tiền không. Họ muốn biết liệu doanh nghiệp có thể tạo ra đủ dòng tiền hay lợi nhuận để trang trải chi phí không.

Mẫu bảng cân đối kế toán theo thông tư 200
>> Tải File mẫu bảng cân đối kế toán theo thông tư 200: http://bit.ly/4bks9KF

Mẫu bảng cân đối kế toán theo thông tư 200

Các bước lập bảng cân đối kế toán theo thông tư 200

Bước 1: Xác định ngày báo cáo cho bảng cân đối kế toán

Ngày báo cáo là thời điểm cụ thể mà doanh nghiệp muốn lập bảng cân đối kế toán. Theo Thông tư 200, doanh nghiệp có thể lập bảng cân đối kế toán tại các thời điểm sau:

  • Cuối năm: Đây là thời điểm phổ biến nhất để lập bảng cân đối kế toán.
  • Cuối mỗi quý: Doanh nghiệp có thể lập bảng cân đối kế toán theo quý để theo dõi tình hình tài chính định kỳ.
  • Khi có sự kiện đáng kể xảy ra: Ví dụ như khi doanh nghiệp thay đổi sở hữu, sáp nhập, chia tách,...

Lưu ý: Ngày báo cáo phải được ghi rõ ràng trên bảng cân đối kế toán.

Bước 2: Thu thập các tài khoản trên BCĐKT rồi tính tổng tài sản

Xác định các tài khoản thuộc nhóm tài sản: Dựa trên Thông tư 200, tài sản được chia thành 5 nhóm chính:

  • Tài sản lưu chuyển: Bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho,...
  • Tài sản dài hạn: Các khoản đầu tư dài hạn, tài sản cố định, tài sản vô hình,...
  • Chi phí trả trước: Gồm các khoản chi phí đã trả trước cho các hoạt động kinh doanh trong tương lai.
  • Tài khoản thanh toán khác: Các khoản tài sản khác chưa được phân loại vào các nhóm tài sản khác.
  • Thu thập số dư các tài khoản: Sử dụng sổ cái kế toán hoặc phần mềm kế toán để thu thập số dư cuối kỳ của các tài khoản thuộc nhóm tài sản.

Tính tổng tài sản: Cộng số dư cuối kỳ của tất cả các tài khoản thuộc nhóm tài sản để ra được tổng tài sản.

Bước 3: Tính tổng nợ cần phải trả

Xác định các tài khoản thuộc nhóm nguồn vốn: Dựa trên Thông tư 200, nguồn vốn được chia thành 3 nhóm chính:

  • Vốn chủ sở hữu: Vốn điều lệ, thặng dư vốn, lợi nhuận chưa phân phối,...
  • Nợ ngắn hạn: Các khoản phải trả ngắn hạn, vay ngắn hạn,...
  • Nợ dài hạn: Gồm vay dài hạn, các khoản phải trả dài hạn,...

Sử dụng sổ cái kế toán hoặc phần mềm kế toán để thu thập số dư cuối kỳ của các tài khoản thuộc nhóm nguồn vốn. Sau đó cộng số dư cuối kỳ của tất cả các tài khoản thuộc nhóm nguồn vốn (trừ vốn chủ sở hữu) để ra được tổng nợ cần phải trả.

Bước 4: Sắp xếp tài sản và nợ phải trả theo đúng thứ tự

Tài sản được sắp xếp theo thứ tự giảm dần tính thanh khoản, từ tài sản lưu chuyển đến tài sản dài hạn. Nợ phải trả được sắp xếp theo thứ tự tăng dần đến hạn thanh toán, từ nợ ngắn hạn đến nợ dài hạn.

Bước 5: Tính vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu của cổ đông, được thể hiện ngay sau phần nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán, phản ánh giá trị doanh nghiệp trong trường hợp thanh lý hoặc giải thể. Thành phần này bao gồm vốn đầu tư từ các nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu và lợi nhuận tích lũy hoặc lỗ lũy kế trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Liệt kê các giá trị của thành phần vốn chủ sở hữu của từng cổ đông, từ tài khoản số dư thử rồi cộng chúng lại để tính tổng nợ phải trả của chủ sở hữu. Sau đó, tính tổng nguồn vốn trên bảng cân đối kế toán bằng cách cộng số tiền cuối cùng từ bước 3 (giá trị nợ phải trả) và bước 5 (vốn chủ sở hữu).

Cuối cùng, để hoàn thiện Bảng Cân Đối Kế Toán, hãy đảm bảo cân đối giữa tổng tài sản và tổng của nợ phải trả cùng vốn chủ sở hữu theo công thức:

Tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu. Nếu có sai sót, cần kiểm tra lại các giá trị đã nhập.

Các bước lập bảng cân đối kế toán theo thông tư 200

Một số lưu ý khi lập Bảng cân đối kế toán

  • Để chuẩn bị báo cáo kế toán, hãy bắt đầu bằng việc sử dụng Bảng cân đối phát sinh tài khoản. Từ bảng này, lập các chỉ tiêu kế toán theo thứ tự của danh sách các tài khoản có số dư. Sau khi hoàn thành mỗi chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán, cần lưu ý đánh dấu các tài khoản đã được sử dụng trên Bảng cân đối phát sinh để đảm bảo không có sự nhầm lẫn hoặc sử dụng lại số liệu.

  • Đối với các tài khoản cần phân loại số dư theo thời hạn "Dưới 12 tháng" và "Trên 12 tháng", thường là tài khoản liên quan đến công nợ hoặc đầu tư như TK131, TK331, TK138, TK338, TK136, TK336, TK141, TK128, TK334, TK341, kế toán cần thực hiện phân loại này trên sổ chi tiết tài khoản dựa trên cơ sở phân loại rõ ràng đã định sẵn. Căn cứ vào:

    • Khoản "Thời hạn thanh toán hoặc thời gian hoàn vốn" trong các giao dịch như hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn, thỏa thuận hợp tác kinh doanh, hợp đồng vay vốn, hợp đồng thuê tài chính, hợp đồng tiền gửi,... quyết định xem tài sản hay nguồn vốn là ngắn hạn hay dài hạn.

    • Đối với các khoản công nợ nội bộ hoặc đầu tư không rõ thời hạn, như tạm ứng nhân viên, giao dịch mua bán giữa các đơn vị nội bộ, hoặc đầu tư tài chính, có thể dựa vào quy định thanh toán nội bộ, quy chế tài chính, quyết định của Giám đốc, hoặc nghị quyết của hội đồng quản trị để xác định thời hạn.

  • Khi ghi nhận số liệu vào BCĐKT với cùng một tài khoản, kế toán cần ghi cùng lúc hai khoản mục là “Ngắn hạn” và “Dài hạn”, tránh bỏ sót dữ liệu.

  • Sử dụng hiệu quả các chức năng của phần mềm kế toán để kiểm tra và sửa chữa các sai sót trong báo cáo. Phần mềm kế toán hiện đại cung cấp các tính năng hỗ trợ như:

    • Tạo báo cáo các chứng từ đã được hạch toán nhưng chưa được ghi vào sổ, các chứng từ đã hạch toán nhưng chưa được lưu, giúp phát hiện các thiếu sót trong dữ liệu.

    • Kiểm tra và chỉ ra lỗi trong Bảng cân đối phát sinh và Bảng cân đối kế toán khi chúng không cân xứng, thông qua phân tích chi tiết các phiếu hạch toán chưa được tính vào bảng.

Cách xử lý khi lập xong mà BCĐKT không cân

Các kế toán cần ghi nhớ một điều rằng: Trong mọi trường hợp, khi một nghiệp vụ kinh tế phát sinh tác động đến tổng tài sản một khoản thì nó cũng đồng thời tác động đến tổng nguồn vốn một khoản. Hai khoản này có cùng độ lớn nhưng ngược chiều.

Làm tròn số thích hợp

Kế toán cần áp dụng quy tắc làm tròn số phù hợp khi điều chỉnh các con số trong Bảng cân đối kế toán, sao cho tổng giá trị tài sản luôn tương ứng với tổng số nợ và vốn chủ sở hữu. Trước khi tiến hành làm tròn, cần xác định phương pháp phù hợp cho dự án hoặc tổ chức. Các phương pháp làm tròn có thể bao gồm làm tròn lên, làm tròn xuống, hoặc làm tròn đến chữ số thập phân nhất định. Chẳng hạn, một số có chữ số thập phân thứ hai nhỏ hơn 5 có thể được làm tròn xuống (ví dụ: từ 5.36 xuống 5.3), còn số có chữ số này từ 5 trở lên được làm tròn lên (ví dụ: từ 5.96 lên 6).

Rà soát lại toàn bộ giao dịch

Để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ dòng giao dịch nào trong Bảng cân đối kế toán, kế toán cần kiểm tra toàn bộ sổ sách một cách thật kỹ lưỡng và chính xác. Việc này giúp phát hiện và xử lý ngay lập tức các vấn đề tiềm ẩn, chẳng hạn như việc quên không tính Tài sản ngắn hạn vào tổng Tài sản.

Một sai lầm thường gặp mà các chủ doanh nghiệp hay mắc phải khi ghi chép sổ sách là sai sót chuyển, nơi các số được ghi ngược lại thứ tự. Để phòng ngừa điều này, kế toán phải chắc chắn rằng mọi bút toán đều được kiểm kê lại một cách cẩn thận và chính xác.

Rà soát lại các thay đổi trong hàng tồn kho

Một sai sót thường gặp khác có thể gây trở ngại cho bộ phận kế toán của doanh nghiệp là việc bỏ qua việc ghi chép các thay đổi trong hàng tồn kho. Quá trình đếm và cập nhật hàng tồn kho trong hệ thống tưởng chừng như đơn giản; tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại thường xuyên quên thực hiện kiểm kê và cập nhật số lượng tồn kho vào cuối mỗi kỳ kế toán. Để khắc phục vấn đề này, kế toán nên xem xét lại quy trình kiểm kê hàng tồn kho để đảm bảo rằng quá trình này được thực hiện một cách chính xác và đầy đủ.

Sử dụng công cụ đối chiếu

Nhiều phần mềm kế toán hiện đại có các công cụ giúp đối chiếu và tìm kiếm lỗi trong bảng cân đối. Sử dụng những công cụ này có thể giúp các kế toán nhanh chóng xác định nguyên nhân và giải quyết vấn đề ngay lập tức.

Cách xử lý khi lập xong mà BCĐKT không cân

Bảng cân đối kế toán là một bản báo cáo tài chính thiết yếu giúp các nhà quản lý, nhà đầu tư và các bên liên quan hiểu rõ về tình hình tài chính hiện tại của doanh nghiệp. Thông qua việc phân tích bảng cân đối kế toán, các nhà lãnh đạo có thể đưa ra các quyết định kinh doanh sáng suốt, từ việc đầu tư cho tới chi tiêu và tối ưu hóa các nguồn lực. Song đó, sự minh bạch và chính xác trong bảng cân đối kế toán giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp với các nhà đầu tư, đối tác.

Chương trình đào tạo

TÀI CHÍNH DÀNH CHO LÃNH ĐẠO
Finance For Leaders

Khóa học tài chính dành cho lãnh đạo tại PACE giúp nhà quản lý góc nhìn tổng quan về tài chính và biết cách hoạch định, tổ chức quản trị tài chính doanh nghiệp hiệu quả.

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Chương trình đào tạo

KẾ TOÁN DÀNH CHO LÃNH ĐẠO
Accounting For Leaders

Khóa học Kế toán dành cho lãnh đạo tại PACE
giúp học viên tổ chức và quản trị một bộ máy kế toán,
biết cách đọc, hiểu và phân tích những báo cáo tài chính do kế toán soạn lập.

Học kế toán để LÀM kế toán phải mất 4 năm đại học, nhưng nếu học kế toán để QUẢN LÝ kế toán và SỬ DỤNG kế toán thì chỉ mất khoảng 2 tuần.

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 369